trái
Đăng nhập
CHÀO MỪNG CÁC BẠN ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA NHÀ THƠ. LUẬT GIA. HOÀNG QUỐC HUY!

Từ khóa
Danh mục

CẢI TÁNG MỘ PHẦN, AN TRÍ TRO CỐT NGƯỜI CHẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM
Lượt xem: 31

29-06-2016 07:01

CẢI TÁNG MỘ PHẦN, AN TRÍ TRO CỐT NGƯỜI CHẾT VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

Người Việt xưa có quan niệm về số mệnh của con người không chỉ phụ thuộc vào bản thân người đó (tức giờ ngày, tháng, năm sinh) mà còn phải chịu ảnh hưởng từ âm phần và dương phần nên mới có câu “Nhất mộ, nhì phòng, tam bát tự”.

Nhà nghiên cứu Lý học Đông Phương:Huỳnh Quốc Huy

Thời gian người ta sống trong căn nhà so với thiên thu an nghỉ dưới phần Mộ thì chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi, hơn thế nữa nhà cửa, biệt thự đất cát là của phù du có thể sang nhượng, đổi chác, mua bán chứ phần mồ mả, lăng tẩm, mộ đá không mái của gia tiên thì vĩnh viễn không thể thay đổi được.

Vào dịp cuối mỗi năm , chúng ta thường tổ chức cải táng mộ phần cho người thân, sửa sang lại mộ cũ, quy tập mồ mả đã đặt các nơi về một nghĩa trang gia đình hoặc một nơi mới.

Một số lý do cần phải cải táng

1. Người qua đời sau ba năm thì nên cải táng

2. Nhà hoàn cảnh nên khi cha mẹ mất không tiền lo liệu, những vật dụng khi chôn cất thường có chất lương không cao, sau ba năm thì cải táng, kẻo sợ ván mục nát hại đến phần thi hài

3. Chỗ đất chon cất bị mối kiến, nước lụt thì cải táng

4. Chỗ mộ chôn người chết vô cớ sụt đất, hay cây cối ở trên mả tự nhiên khô héo, hay trong nhà có kẻ dâm loạn điên cuồng, hay trong nhà đau ốm lủng củng, kiện tụng lôi thôi.

5. Một số người muốn cầu mong công danh phú quý, nhờ thầy phong thủy tìm chỗ cát địa mà cải táng. Lại có một số người thấy nhà khác phát đạt, đem mộ người thân mình táng gần vào chỗ mộ nhà đó, để cầu được hưởng dư khí.

Việc đầu tiên trước khi chúng ta cải táng hoặc quy tập mộ là phải xem mộ đó như thế nào ? đã đủ thời gian cải táng chưa ?Mộ đó có kết hay phạm trùng không ?

I. Kiểm tra và xác định dạng mộ.

Có nhiều cách để kiểm tra mộ kết như bằng các phương pháp cảm xạ, ngoại cảm, cảm nhận trường khí.v.v...

II. Mộ kết

Mộ kết là mộ đã thụ được linh khí của trời đất, của long mạch, tụ khí lại trong mộ và sẽ khiến cho con cháu dòng họ có người thân an táng trong ngôi mộ đó làm ăn thuận lợi, gia đình, dòng họ thuận hòa, giàu sang và mạnh khoẻ.

Có thể quan sát bằng mắt thường sẽ thấy ngôi mộ kết là ngôi mộ càng ngày càng nở ra do được tích tụ linh khí của long mạch, giống như những cái gò thường nổi lên do hiện tượng dư khí của long mạch trên cánh đồng. Trên các ngôi mộ kết thường cỏ mọc rất nhanh và xanh tốt.

Người xưa có một phương pháp để xác định huyệt kết: Họ cắm những cành cây khô vào những chỗ đất nghi có mộ kết, nếu những cành khô đó nẩy mầm xanh tốt thì gần như chắc chắn nơi đó có huyệt kết. Một quan sát khác nữa là nhìn những viên đá, bia mộ tại Huyệt, nếu mộ kết tức là làm cho những viên đá, bia mộ đó bóng loáng lên như được lau chùi bằng dầu bóng. 

Khi mộ kết, thông thường kết từ chân lên tới đầu, cũng có vài ngôi mộ do kết cấu của long mạch và của mộ sẽ kết theo chiều ngược lại. Có các dạng kết như kết mạng nhện, kết tơ hồng, kết băng, kết chu sa...Có các màu từ xám đến trắng, hồng, đỏ như chu sa là loại mạnh nhất.

Gặp trường hợp Mộ kết, tốt nhất là để nguyên không được dịch chuyển vì sẽ gây ra vô vàn rắc rối trong cuộc sống của dòng họ.

III. Mộ phạm trùng

Một loại khác người ta thường hay nhầm với mộ kết là mộ bị phạm trùng. Có nhiều loại trùng nhưng biểu hiện rõ nhất tại mộ là xác chôn qua nhiều năm không tan. Có những khu vực có hàng loạt mộ chôn tới hàng chục năm xác cũng còn gần như nguyên vẹn.

IV. Trường hợp không cải táng

1 . Không được cải táng mộ khi đào đất thấy có con rắn màu vàng.

2 . Khi mở quan tài có thấy có dây tơ hồng quấn quýt

3 . Khi hơi đất chỗ đó ấm áp, trong huyệt khô ráo không có nước hay là nước đóng giọt lại như sữa là tốt,  hoặc  thi hài không tan hết, phải lập tức lấp lại ngay

4. Đối với mả kết phát hay nở to ra, con cháu trong dòng họ đang ăn nên làm ra thì tuyệt đối không được cải táng.

V. Thời gian cải táng và quy tập mộ

Theo tất cả các sách từ xưa để lại, thời gian tốt nhất trong năm là từ cuối Thu đến trước ngày Đông Chí của năm. Không được cải táng, quy tập mộ vào đầu năm cũng như sau Đông Chí . Chọn lựa thời điểm để cải táng là một việc vô cùng quan trọng. Theo phong tục của người Việt Nam, người mất sau 3 năm thì cải táng, cũng là lúc con cháu mãn tang, tức là hoàn toàn hết để tang vong linh. Vì thế, việc cải táng thường được tiến hành sau 3 năm chôn hung táng.  Năm để tiến hành cải táng phải lựa chọn theo tuổi của vong, tránh những năm xung sát. Đồng thời còn phải căn cứ theo tuổi của trưởng nam trong nhà, vì khi vong đã mất thì mọi sự may rủi đều gánh trên vai của người trưởng nam. Năm để tiến hành cải táng cũng phải được phù hợp với tuổi của người trưởng nam.

Hiện nay, môi trường địa lý và khí hậu có nhiều thay đổi, các hoá chất được người dân sử dụng nhiều trong đất để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tượng sau 3 năm xác người chết chưa phân huỷ diễn ra khá phổ biến, nên nhiều gia đình lựa chọn giải pháp là để thời gian cải tháng lâu từ 4 đến 5 năm để tránh hiện tượng trên.

VI. Chọn vị trí đặt mộ khi cải táng.

Khi đã chọn lựa được thời điểm tiến hành cải táng  thì người trong gia đình sẽ phải chọn lựa một huyệt đất mới để chuyển hài cốt sang. 

Việc chọn lựa huyệt đất là tương đối khó khăn, để tìm được vị trí mới tốt lành, cần lưu ý các điểm sau đây :

- Huyệt mộ là nơi đất mới chưa từng bị chôn lấp, đào xới. Khí đất của huyệt tươi tốt, đất rắn chắc tươi tắn. Nếu là vùng đồng bằng thì đất tươi mịn, có mùi thơm, đào lên phía dưới độ 6,70cm đất đặc quánh, có màu vàng nhạt hoặc màu nâu đậm. Nếu là miền sơn cước thì đất mịn màng, tuy khô nhưng có màu vàng nhạt. Đào lên ở đáy huyệt có mạch nước ngầm chảy dưới huyệt, màu sắc của nước trong xanh, có mùi thơm, tránh nước bị ô nhiễm hoặc nước có mùi hôi. 

- Kỵ nhất là huyệt là nơi đất tơi xốp, có chứa nhiều rác rưởi hôi thối, hoặc có nguồn nước thải bị ô nhiễm.  Những huyệt ở đồng bằng thì kỵ không có nước ở dưới huyệt.

- Ở các vùng nghĩa trang nơi quy tập nhiều mộ, thường bị tình trạng quá tải về diện tích, các mộ chen lấn nhau. Tránh huyệt bị các mộ xung quanh lấn chiểm, hoặc nằm án ngữ ngay trước phần mộ, hoặc đâm xuyên vào 2 bên cạnh mộ. Nếu chọn được huyệt phía trước rộng thoáng, lại nhìn ra ao hồ hay sông suối là đắc cách. Trường hợp đất đai quá hiếm không chọn được huyệt có phía trước thoáng rộng thì tối thiểu cũng phải có một khoảng đất trống nằm ngay phía trước huyệt mộ.

- Quan sát cẩn thận hệ thống đường đi xung quanh huyệt. Nếu huyệt có đường đi đâm thẳng vào giữa hoặc đâm xuyên sang hai bên, đường đi sát ngay phía sau huyệt thì đều xấu không thể dùng. Tốt nhất chọn huyệt nơi yên tĩnh xa cách với đường đi lối lại quanh khu vực mộ.

- Ở vùng núi non thì cần thẩm định huyệt theo những tiêu chí của địa lý chính tông. Huyệt cần có đất bao bọc hình long hổ hai bên ôm lấy huyệt, phía sau có núi cao che chắn, phía trước có sông, suối, ao, hồ…

 

VII. Những vật liệu cần chuẩn bị khi cải táng

Trước tiên, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình mà chúng ta chọn Tiểu và Quách bằng nhiều vật liệu khác nhau như sành, sứ , xi măng, gỗ... Việc tiếp theo nữa là chuẩn bị thật nhiều nước Vang ( Còn gọi là nước ngũ vị hương - Đừng nhầm với gói ngũ vị hương để nấu Ca ri - Gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc ).Thông thường sau khi chọn được ngày bốc mộ , người Thầy cũng cần phải xem giờ bốc mộ cho thân chủ . Tùy theo giờ tốt mà bốc , nhưng tất cả cùng phải chung một điều là bốc mộ phải làm vào ban đêm . Việc này nhằm tránh cho xương cốt gặp ánh sáng sẽ bị đen đi . Khi bốc mộ , người ta thường đào trước phần lớp đất ở phía trên trước , sau đó đúng giờ tốt mới bắt đầu mở tấm ván Thiên lên ( Tấm ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài ) .

Trước khi tiến hành bốc mộ , người nhà phải có làm một cái lễ tại Gia tiên để trình báo Tổ tiên . Tại nơi bốc hài cốt ngoài nghĩa trang cũng phải có một cái lễ trình Thổ địa sở tại .

Nhờ người tinh thông, chuyên môn thạo công việc xem cẩn thận phần Mộ xấu tốt thế nào, thi hài đã tan hết chưa thì mới được cải mộ.

Quyết định thời điểm nào phù hợp nhất để cải táng. Chọn ngày lành tháng tốt, hợp với công việc và phong thủy. Chọn ngày Hoàng đạo hay ngày bất tương, kỵ nhất là ngày trùng tang. Bốc mộ mà gặp ngày trùng tang, con cháu sẽ lụi bại về sau.

Chọn hướng tốt và xây mộ đá hay mộ đá không mái, hướng mộ theo mệnh người chết, nếu an táng chung trong khuôn viên lăng mộ của dòng họ thì bên trên theo hướng chung, bên dưới có thể dùng 24 cung sơn hướng điều chỉnh

Vật dụng cần thiết cho quá trình bốc mộ là một cái tiểu sành, một cái quách đặt làm sẵn , một miếng vải đỏ, một tấm ni lông, vài chai rượu nặng và nước Vang. Một vài cái xô, chậu nhựa để rửa xương, 50 lít nước Vang ( ngũ vị ), 50 lít nước sạch,  2 lít rượu,  10 khăn mặt mới ,  2 bàn chải to , 1 bàn chải đánh răng , 3 chậu to mới, 50 kg củi, bạt che gió, mưa, ánh sáng

Tuổi Nam kỵ tam hợp, tuổi Nữ kỵ tứ hành xung tránh mặt lúc mở nắp quan tài và khi hạ huyệt

Phần lớn việc bốc mộ diễn ra vào lúc nửa đêm. Trước khi đào, thợ phải xác định vị trí huyệt thật chính xác, nhiều ngôi mộ do chôn thời gian lâu, quá trình tu sửa bị sai lệch vị trí so với ban đầu, nếu không biết cách sẽ phải đào rất vất vả, có khi đào nhầm sang mộ bên cạnh. Công việc bốc mộ thường là do những người chuyên môn bốc mộ đảm nhiệm . Khi ván Thiên được cậy ra , người ta phải đổ vài chai rượu có nồng độ cao vào quan tài để tảy rửa âm Khí . Sau đó mới tiến hành lấy cốt . Nhiều khi gặp trường hợp hài cốt chưa phân hủy hết , người ta phải dùng xăng đổ vào mộ và đốt cháy thịt còn sót, sau đó phải dùng dao dóc những mảnh thịt còn lại và đem rửa bằng nước vang. Sau khi nhặt hết cốt , rửa sạch, người ta trải tấm ni lông ở dưới, tấm vải đỏ ở trên và lần lượt xếp xương theo thứ tự của người . Riêng cái sọ phải dùng trà hoặc vải kê để cho mặt hướng lên trên. Mọi thứ xương phải kiểm tra cho đủ, không được phép thiếu. Có một cách mà dân gian thường sử dụng để kiểm tra đó là: sau khi “đãi cốt” xong, người ta thường cắm một bó hương to giữa lòng đáy huyệt, nếu làn khói quyện lại, bay thẳng lên có nghĩa đã hết cốt, nếu làn khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng huyệt có nghĩa là xương cốt của người chết chưa hết, cần phải kiểm tra lại. Sau khi hoàn tất , người ta đóng nắp tiểu lại.

Khi thực hiện phần gom hài cốt, nhặt lấy xương xếp vào một tiểu sành rồi rẩy nước hoa vào, lúc hoàn tất phải hàn nắp cho kín không cho ánh sáng lọt vào.

Sử dụng tiểu sành là đi gửi chùa, hay đem về nhà thờ. Nếu hài cốt đưa đi cải táng chôn nơi khác, thì dùng áo quan nhỏ, gắn hài cốt như hình người và tẩm liệm thật kỹ như lúc mới chết.

Người mới chết đắp mộ theo chiều dài thân, người cải táng đắp mộ theo hình tròn.

VIII. Những địa điểm kiện kỵ khi chọn mộ huyệt

 Sau đây là những địa điểm kiêng kỵ cơ bản khi chọn huyệt mộ cho người chết:

 – Thiên bại: Là nơi từng bị nạn hồng thuỷ tràn qua, Long thần bất an, nếu kết huyệt thi con cháu ly tán, bơ vơ.

 – Thiên sát: Là nơi từng bị sét đánh, Long thần kinh hãi sẽ khiến con cháu nghèo khó.

 – Thiên cùng: Là lạc huyệt cô đơn mà Huyền vũ lè lưỡi, thuộc nơi đầu nguồn đuôi thuỷ, sẽ khiến con cháu cô đơn.

 – Thiên khuynh: Là nơi Minh đường nghiêng trôi, thuỷ không quy tụ, Long thần không trú, sẽ khiến gia chủ mất người, mất của.

 – Thiên vệ: Là nơi tám phía gió thổi tới, Long thần không trú, sẽ khiến con cháu du thủ du thực, lười nhác.

 – Thiên thấp: Là nơi Minh đường hôi hám, nhầy nhụa, Long thần không tốt, sẽ gây bệnh tật triền miên.

 – Thiên ngục: Là nơi bên dưới có hang hố, không thấy ánh sáng, Long thần ám muội, sẽ khiến người ngu muội.

 – Thiên cẩu: Là nơi ngoài khuỷu sơn, không có Long thần, hai bên Tả Hữu huyệt vị không có sơn phong hộ vệ, gió thổi thuỷ cuốn, sẽ khiến con cháu gian nghịch, bất hiếu.

 – Thiên ma: Là nơi đất đá chênh vênh không chắc, Long thần nông cạn, khiến người nông cạn.

 – Thiên cô: Là nơi da, lông khô lẻ, không tươi nhuận, khiến người thất bại.

 Hoặc:

 – Lạc táng ở mộ cổ hoang phế đời con bị câm điếc.

 – Lạc táng ở sau đền miếu, con cháu sẽ bị kiện tụng.

 – Lạc táng ở nơi Sơn tiêu mộc khách, sẽ khiến con cháu tà dâm.

 – Nếu táng ở thùng đấu (nơi người ta lấy đất đóng gạch ngói) thì con cháu bị tật, sẹo.

 – Nếu lạc táng bên đường không rõ ràng, nếu là hung phương thì người bị nạn về thừng chão, nếu tại cát phương cũng cát lợi.

 IX. An trí tro cốt hỏa táng đúng phong thủy

Theo xu thế hiện nay, do yêu cầu về đất an táng ngày càng mở rộng mà quỹ đất thì hạn hẹp nên cách thức Hỏa Táng đang ngày càng được nhiều người dân chọn lựa để lo hậu sự cho người đã khuất. Cũng có nhiều người có nhận thức mới, thấy hình thức Hỏa Táng là sạch sẽ chu toàn mọi việc nên đã dặn người nhà Hỏa táng sau khi mình mất.

Đi cùng với những bước tiến của xã hội, các nhà nghiên cứu đã sớm tổng kết và áp dụng những mệnh đề Phong Thủy vào hình thức Hỏa Táng, an trí tro cốt với mong muốn người quá cố có được sự yên nghỉ hoàn toàn, người sống cũng không phải áy náy lương tâm, sự phù trợ  cho con cháu cũng từ đó tốt hơn.

Vị trí đặt tro cốt người chết kỵ những vị trí sau:

1.Kỵ đặt tại chỗ bên dưới có xà đè ngang.

2.Kỵ bị gió thổi xuyên vào trước mặt hay  hai bên phải trái, đó là Phong Sát.

3.Kỵ đặt tại chỗ quá ít ánh sáng quá, chỗ có tường sơn đen, không chút sinh khí.

4.Kỵ đặt quá gần chỗ cầu thang. Bởi sẽ bị khí đi từ trên những tầng trên theo cầu thang xung kích xuống, mà xuống chỗ dưới cầu thang là minh đường nhỏ hẹp càng kỵ.

5.Kỵ đặt đối diện thẳng với chỗ hóa tiền vàng.

6.Kỵ đặt ở tại tầng quá thấp, bởi vì dễ bị ẩm ướt quá hay bị nước tràn ngấm vào, lại cũng kỵ tại vị trí quá thấp so với thân thể người đang sống.

7.Cũng giống như ở ngoài mộ, vị trí tọa hướng lọ tro cốt cần phối mệnh quái (Tức phân quái năm sinh mệnh người mất) được Cát. Căn cứ lấy hướng là ảnh hưởng bài vị của người quá cố dán trên lọ tro hoặc bài vị đặt kèm.

8.Chọn lựa số tầng đặt lọ tro cần chọn lựa theo Hà Đồ Ngũ Tử Vận Phối Với Tiên Mệnh Quái.

Khẩu Quyết Hà Đồ: “Nhất Lục cộng tông Thủy, Nhị Thất đồng Đạo Hỏa, Tam Bát vi bằng Mộc, Tứ Cửu vi hữu Kim, Thập Ngũ cộng xứ thổ.” Tức là từ tầng thấp nhất bắt đầu tính là tầng một và tầng 6 là Thủy, tầng 2 với tầng 7 tính là Hỏa, tầng 3 với tầng 8 tính là Mộc, tầng 4 với tầng 9 tính là Kim, tầng 5 với tầng 10 tính là Thổ.Từ tầng 11 lại quay trở lại, y theo thứ tự Thủy Hoả Mộc Kim Thổ.

 X. Kết

Theo phong thủy, con người khi còn sống thì nên xây cất nhà ở những vùng đồng bằng, gần sông, gần đường, địa hình bằng phẳng để cuộc sống hàng ngày tâm hồn được thoải mái, sức khỏe tốt, học hành, làm việc thuận lợi... Thì tất nhiên, khi người chết được chôn cất ở mảnh đất tốt, an trí tro cốt tại vị trí tốt thì linh hồn của họ cũng được vui vẻ (Không nên tồn tại quan niệm nhầm lẫn là con người khi chết thì được đi đầu thai ngay nên không còn quan tâm nơi an nghỉ của mình như thế nào).

Nhà nghiên cứu Lý học Đông Phương:Huỳnh Quốc Huy

Bút danh: Thiên Uy

 

 
 

©2016 Bản quyền thuộc về  天佑风水中心

Website này được thiết kế để kính tặng Thầy: Nhà thơ. Luật gia. Hoàng Quốc Huy (徐国 辉) -HỘI GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TP.HCM

Chủ tịch Hội Đồng Sáng lập Diễn Đàn Nghiên Cứu Nghệ Thuật Và Văn Hóa Việt Nam

Ủy viên Ban CH Hội Người Hoa Tp-HCM

 Thiết kế & Quản trị: Trương Mẫn Vy (张敏 薇) -  Cung Hữu Nghị Việt - Trung

188, đường Lê Quang Đạo, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

Thư từ liên lạc, bài vở xin gửi về E-Mail: Email: nhathohoanghuy@gmail.com; quochuy@militaryvn.ml